Chính Sơn, Chính Hướng
Chính vì vấn đề đòi hỏi nhà (hay mộ) phải thuần khí, nên không những giữa tọa-hướng với cổng, cửa và ngõ vào nhà phải cùng 1 Nguyên Long, mà tuyến vị của tọa-hướng cũng nên nằm tại tuyến vị chính giữa của mỗi sơn (xin xem lại bài “24 SƠN-HƯỚNG VÀ TAM NGUYÊN LONG). Nếu có kiêm (hay lệch) sang phải hoặc sang trái cũng không được quá 3 độ so với tuyến vị chính giữa. Có như thế mới bảo đảm cho tọa-hướng của căn nhà được thuần khí.
Một điều làm cho người mới biết về Phong thủy hoang mang không ít là có nhiều trường phái lại cho là những tuyến vị chính giữa của mỗi sơn-hướng đều là những tuyến xấu, có khí trường quá mạnh nên không thể lấy. Nếu chọn những tuyến đó để tạo sơn, lập hướng thì sẽ dễ gặp tai họa!!! Do đó, khi chọn tọa-hướng cho nhà (hay mộ) thì họ thường không bao giờ chọn tuyến vị chính giữa, mà bao giờ cũng sẽ chọn tuyến vị kiêm 3 độ.
Quan điểm này không hiểu là do những hiểu biết sai lầm về Phong thủy, hay do ảnh hưởng của xã hội phong kiến thời xưa. Vì dưới các thời đại phong kiến Trung Hoa trước đây, chỉ có vua chúa, quan lại mới được xử dụng những gì được coi là cao sang, tốt đẹp, còn dân thường thì phải né tránh, không được “vi phạm” tới. Ngay cả phương hướng làm nhà cửa, cung điện… thì cũng chỉ có vua hoặc quan lớn mới lấy theo tuyến vị chính giữa của sơn-hướng. Chẳng hạn như những dinh thự, lâu đài của các vua chúa ngày xưa thường cất theo trục tọa TÝ (BẮC) hướng chính NGỌ (NAM), chứ không kiêm 3 độ bao giờ. Cho nên có thể là các vua chúa và những đại sư Phong thủy đời xưa cũng đã thấy được cái quý của vấn đề thuần khí và tuyến vị chính giữa của mỗi sơn-hướng. Chính vì vậy mà chỉ có họ mới được lập mà thôi. Còn nhà dân thường thì bao giờ cũng kiêm 3 độ, tuy vẫn được coi là thuần khí, nhưng ít nhiều cũng đã bị pha tạp bởi khí khác, nên ít ra là về phong cách cũng sẽ không bằng tầng lớp qúy tộc trong xã hội được.
Ngoài ra, nếu ai đã đọc tác phẩm “Tòng sư tùy bút” của Khương Diêu (đệ tử của Tưởng đại Hồng, 1 danh sư Phong thủy cuối thời nhà Minh) thì cũng có thể thấy vấn đề né tránh tuyến vị chính giữa và chọn “kiêm 3 độ” là sai lầm như sau:
“Ngày nọ, tôi (tức Khương Diêu) theo Phu tử (tức Tưởng đại Hồng) ra ngoài Xương an Môn, thấy nhà nọ hạ táng. Các thổ công đều nói “Tưởng tiên sinh tới rồi!”. Chủ nhân hỏi: “Tưởng tiên sinh là ai?” Thổ công đều nói:”Tiên sinh là bậc địa tiên”. Một số địa sư (tức thầy Phong thủy) đứng ở đấy che miệng cười khẩy, nói với chủ nhân rằng: “Ông ta là Tưởng đại Hồng, thường nói thiên cơ bất khả tiết lộ đó”. Rồi bọn họ quay qua nói với thầy tôi:”Cuộc đất tốt như vầy là chốn hưng thịnh của Trời, không cần ông nhọc sức tiết lộ thiên cơ”. Chủ nhân cũng khoe cuộc đất của mình long huyệt sơn thủy đều đẹp. Thầy tôi chẳng nói gì. Thổ công là người quen biết với tôi mới mách cho biết rằng:”Cuộc đất này sơn SỬU, hướng MÙI kiêm CẤN-KHÔN. Ba năm trước đây Tưởng tiên sinh có điểm huyệt giúp cho 1 người, cũng dùng sơn SỬU, hướng MÙI (tức lấy tuyến chính giữa của SỬU-MÙI, chứ không kiêm 1 độ nào cả), nay nhà ấy ngày càng hưng thịnh. Ở đây có 1 địa sư sao chép lại cách điểm huyệt của Tưởng tiên sinh, muốn bắt chước chỉ dùng đơn hướng. Nhưng chủ nhân và các địa sư khác đều không dám tin theo, mấy ông ấy ùn ùn kiêm 3 độ”. Thầy về, tôi kể lại thì thầy nói:”Chủ nhân ắt phải chết. Phạm vào Ngũ Hoàng, Lực sĩ mà không mất người được ư?” (vì năm đó 2 sao Ngũ Hoàng, Lực sĩ đều tới phương tọa của ngôi mộ). Sau khi táng chưa tới 5 ngày, chủ nhân bị ngã ngựa mà chết”.
Kiêm hướng
Những nhà có tuyến vị của tọa-hướng nằm lệch từ 1 độ đến 7 độ 5 so với tuyến vị chính giữa (bất kể là lệch sang bên phải hoặc bên trái) của 1 sơn thì đều được xem là Kiêm hướng. Nhưng như đã nói ở phần trên, những nhà có tuyến vị lệch từ 1 đến 3 độ thì vẫn được coi là thuộc “chính sơn, chính hướng”, khí vẫn còn thuần nhất nên không có gì thay đổi. Còn những nhà có tuyến vị lệch từ 3 đến 6 độ thì do độ kiêm khá lớn, khí của sơn bên cạnh đã pha tạp với khí của chính tọa, chính hướng, cho nên khi lập tinh bàn mới phải dùng đến Thế Quái (tức số thế, xin coi lại bài “THẾ QUÁI”).
Đây là trường hợp chỉ nên tạm dùng trong 1 thời vận nào đó, đến khi qua vận khác mà nếu thấy chính hướng đắc vượng khí thì cần xây dựng lại nhà của (hay phần mộ) theo hướng đó, chứ không thể để nhà cửa kiêm hướng nhiều trong 1 thời hạn lâu dài, sẽ có tai họa do vấn đề khí không thuần khiết mà ra, khiến cho người trong nhà phẩm chất hư hèn, lại dễ mắc những tai họa về hình ngục. Câu “Chính sơn, chính hướng lưu chi thượng, quá yêu ngộ hình trượng” trong “Thiên bảo Kinh” của Dương quân Tùng, có nghĩa là sơn-hướng cần phải kiêm ít, chứ không thể kiêm nhiều, nếu kiên nhiều (quá yêu) tất sẽ bị tai họa về hình ngục, lao tù (ngộ hình trượng). Cho nên người học Huyền Không phải rất cẩn thận trong vấn đề kiêm hướng.
Ngoài ra, trong trường hợp kiêm hướng thì cũng còn phải tùy theo âm-dương mà kiêm đúng pháp độ thì mới có thể tạo phúc, chứ không thể kiêm 1 cách tùy tiện. Nói tùy theo âm-dương tức là phải coi xem tọa-hướng của 1 căn nhà là nằm trong những sơn dương hay âm? Nếu chúng nằm trong những sơn dương thì khi kiêm hướng cũng phải cần dùng những độ số dương như 1, 3, 5, 7. Nếu chúng nằm trong những sơn âm thì cần dùng những độ số âm như 2, 4, 6. Đó mới là kiêm đúng pháp độ. Còn kiêm không đúng pháp độ tức là tọa-hướng thuộc sơn dương mà lại dùng độ số âm, hay tọa-hướng thuộc sơn âm mà lại dùng độ số dương.
Nếu kiêm đúng pháp độ thì trong trường hợp đắc vượng khí tới hướng cũng có thể phát khá lớn, trong trường hợp thất vận hoặc gặp khí suy tử chiếu tới cũng không đến nỗi mắc tai họa nặng lắm. Nếu kiêm không đúng pháp độ thì dù đắc vượng khí tới hướng mà có đắc tài đắc lộc cũng có những tai họa bất ngờ. Gặp lúc thất vận thì hung họa càng khủng khiếp, không thể đo lường được.
Một điều cần để ý là khi 1 căn nhà hay 1 ngôi mộ kiêm hướng thì chính tọa chính hướng của nó được gọi là “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, còn tọa-hướng được kiêm gọi là “Chi Thần”. Rồi phải xem cổng, cửa, lai, khứ thủy… phải cùng 1 Nguyên Long với “Chủ Sơn, Chủ Hướng”, chứ không thể cùng Nguyên Long với “Chi Thần” được. .