Trong việc chọn tọa-hướng cho nhà ở (hay phần mộ), ngoài những vấn đề đã được nêu ra thì còn cần để ý tới khu vực 2 bên phía trước như thế nào để có thể dùng bí quyết của “Thành môn”.
Thành môn, tức cổng thành, là nơi ra, vào thành cũng là chỗ dẫn nước ra, vào ở phía dưới. Cho nên Thành môn chính là cửa ngõ để vào huyệt, hoặc nơi thủy đến, thủy đi, thủy hội tụ ở 2 bên phía trước. Đối với nhà cửa thì nếu khu vực đó có ngõ rẽ vào nhà hay ngã ba, ngã tư, ao, hồ, biển, hoặc chỗ 2 dòng sông tụ hội… thì những nhà đó được xem như có Thành môn.
Thành môn cũng được chia ra làm 3 loại như sau:
1) Thành môn chính: nằm ở những khu vực mà khi kết hợp với khu vực ở đầu hướng sẽ hợp thành những số Tiên thiên như 1-6, 2-7, 3-8, 4-9.
Thí dụ: Căn nhà hướng NAM, có ngõ vào nhà nằm ở khu vực phía ĐÔNG NAM. Vì ĐÔNG NAM thuộc quẻ TỐN mang số 4, còn NAM thuộc quẻ LY mang số 9, hợp thành số Tiên thiên 4-9, nên ngõ vào nhà đó được coi là Thành môn chính.
2) Thành môn phụ: chỉ là những vị trí nằm bên cạnh đầu hướng, nhưng không có sự tương hợp thành những số Tiên thiên như ở trên.
Thí dụ: Nhà hướng NAM, nhưng có ngõ vào nhà ở khu vực TÂY NAM. Vì NAM là số 9, TÂY NAM là số 2, giữa 2 khu vực này không có sự tương hợp thành số Tiên thiên, nên đây là Thành môn phụ.
3) Thành môn ngầm: ngoài Thành môn chính (được gọi là “Chính mã”) và Thành môn phụ (được gọi là “tá mã”), còn có Thành môn ngầm, nhưng cũng được chia thành 2 loại như sau:
a) Khi an vận bàn mà vận tinh Ngũ Hoàng tới 1 trong 2 phía bên cạnh đầu hướng. Nếu nơi đó có thủy hay cửa khẩu, ngõ ra vào… thì cũng được coi là Thành môn.
Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ (180 độ), nhập trạch trong vận 8, nên khi an vận bàn thì vận tinh Ngũ Hoàng sẽ đến phía TÂY NAM. Nếu nơi này có ngã tư, ngõ vào nhà, ao, hồ… thì được xem là Thành môn ngầm. Sở dĩ như thế là vì trong mỗi vận, khu vực có vận tinh Ngũ Hoàng bao giờ cũng là khu vực của Linh Thần (xin xem lại bài “Chính Thần và Linh Thần”), nên khi khu vực này có cổng, ngõ hay thủy khẩu thì được xem như Linh thần đắc thủy, chủ đại vượng cho nhà cửa trong vận đó. Vì vậy nó mới được xem như 1 loại Thành môn mà thôi.
b) Khi các vận, sơn hay hướng tinh tới 2 phía bên cạnh đầu hướng, mà chúng lại kết hợp với địa bàn tại nơi đó thành các số Tiên thiên. Nếu khu vực đó có cổng, ngã ba, ao, hồ, núi cao… thì cũng được xem như có Thành môn.
Thí dụ: nhà tọa CANH, hướng GIÁP (tức hướng ĐÔNG, 75 độ), nhập trạch trong vận 8. Nếu an Vận bàn thì vận tinh số 6 tới hướng. Bây giờ nếu muốn an Hướng bàn thì lấy số 6 nhập trung cung xoay nghịch (vì hướng GIÁP tương ứng với sơn TUẤT của số 6, là sơn âm nên xoay nghịch – xin xem lại bài PHƯƠNG PHÁP LẬP TINH BÀN) thì số 3 đến ĐÔNG BẮC. Vì ĐÔNG BẮC nằm bên cạnh khu vực đầu hướng của căn nhà, mà địa bàn của nó là số 8, nên khi gặp hướng tinh số 3 tới sẽ tạo thành cặp số Tiên thiên 3-8. Nếu nơi này có thủy hay cổng, ngõ vào nhà thì được xem là có Thành môn.
Đối với Huyền không Học, việc xác định Thành môn là 1 yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương vị tọa hướng cho ngôi nhà hay phần mộ. Bởi vì như Thẩm trúc Nhưng nói:”Thành môn là nơi then chốt để khí tiến vào huyệt”, hoặc như Bạch hạc Minh xem nó “giống như yết hầu của con người”. Cho nên Thành môn chính là nơi nắm giữ vận khí của chân long địa huyệt hay nhà cửa. Nếu nó tốt thì dù nhà cửa hay phần mộ có gặp hướng xấu, hay bị hung khí xung sát cũng vẫn bình yên, hoặc có thể hóa hung thành cát mà làm cho nhà đó vẫn vượng phát.
Riêng đối với những căn nhà đã lập phương hướng đúng phép mà lại còn đắc Thành môn thì chẳng khác nào áo gấm thêm hoa, tài lộc và nhân đinh sẽ hưng thịnh 1 thời. Cho nên sách mới có câu:”Bí quyết Thành môn là cực tốt (tối vi lương), cất nhà, lập mộ thì đại cát”.
Tuy nhiên, cách dùng Thành môn không phải cứ hễ thấy ở 2 bên đầu hướng có cổng, ngã ba, ngã tư hay sông nước là có thể xử dụng, mà còn phải theo những nguyên tắc căn bản sau đây:
– Tọa-hướng nhà phải đồng Nguyên long với khu vực có cổng, cửa hoặc sông nước ở 2 bên đầu hướng. Điều này đã nói rõ trong bài “Phương pháp chọn hướng nhà (1)”, phần bàn về vấn đề thuần khí (chỉ có sự khác biệt là với vấn đề thuần khí thì có thể lấy được cả những cổng, ngõ, nơi có thủy… tại bất cứ khu vực nào, miễn là được đồng nguyên với hướng; còn Thành môn thì chỉ lấy được ở 2 phía bên cạnh hướng mà thôi).
* Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ (180 độ), nhập trạch trong vận 8. Vì nhà này hướng NGỌ (tức hướng NAM), nên khi chọn Thành môn thì chỉ có thể lấy ở khu vực 2 bên của đầu hướng, tức là 2 phía ĐÔNG NAM và TÂY NAM. Do đó, nếu ở sơn TỐN thuộc phía ĐÔNG NAM, hoặc sơn KHÔN thuộc phía TÂY NAM có cổng, ngõ hay thủy khẩu thì nhà đó có Thành môn. Còn những khu vực THÌN, TỴ của ĐÔNG NAM, cũng như MÙI, THÂN của TÂY NAM tuy cũng nằm ở 2 bên hướng, nhưng do không đồng nguyên với tọa-hướng nên không thể lấy làm Thành môn.
– Khu vực của Thành môn cũng phải đắc vượng khí của Phi tinh, có như thế mới hóa giải được khí xấu nơi đầu hướng, hoặc làm cho khí nơi đầu hướng càng thêm tốt đẹp. Nhưng muốn biết vượng khí có tới Thành môn hay không, thì không phải căn cứ vào Hướng tinh tại đó để xác quyết, mà phải xem Thành môn nằm tại sơn nào (trong 24 sơn)? Sơn đó trùng với sơn nào của vận tinh tới khu vực đó? Rồi mới đem vận tinh đó nhập trung cung, xoay chuyển theo chiều thuận (hay nghịch) tùy theo sơn của vận tinh đó là dương hay âm. Nếu số đến khu vực của Thành môn cũng tương đồng với đương vận thì tức là có vượng khí đến Thành môn.
* Thí dụ: cũng lấy nhà tọa TÝ hướng NGỌ ở trên. Nếu an vận bàn của vận 8 thì vận tinh số 5 đến TÂY NAM, vận tinh số 7 đến ĐÔNG NAM. Vì phía TÂY NAM chỉ có sơn KHÔN có thể chọn làm Thành môn, mà KHÔN thuộc dương nên lấy 5 nhập trung cung xoay thuận thì 2 đến KHÔN, là tử khí trong vận 8 nên không thể dùng (tuy nhiên, vì vận tinh 5 tới phía TÂY NAM tạo thành cách “Thành môn ngầm”, nên lại là 1 cách khác). Kế đó, quay sang vận tinh số 7 ở ĐÔNG NAM. Vì chỉ có sơn TỐN mới có thể chọn làm Thành môn, mà TỐN trùng với sơn DẬU của số 7, là sơn âm nên lấy 7 nhập trung cung xoay nghịch thì 8 đến TỐN, là vượng khí của vận 8, nên nơi này có thể dùng làm Thành môn. Vì vậy, nếu phương TỐN của nhà này mà có cổng, ngõ vào nhà, thủy khẩu… thì tài lộc sẽ đại vượng.
Về mức độ tác dụng của các loại Thành môn thì Thẩm trúc Nhưng thường cho rằng Thành môn chính có tác dụng mạnh hơn Thành môn phụ, nhưng ông không nói gì tới hiệu lực của Thành môn ngầm. Tuy nhiên nếu nhìn thì cũng có thể thấy là tác dụng của Thành môn ngầm phải yếu hơn Thành môn phụ. Nhưng vì không phụ thuộc vào việc bảo vệ nguyên khí cho tọa-hướng, nên Thành môn ngần không bị giới hạn trong phạm vi 1 sơn, mà có thể bao hàm hết cả 1 hướng.
Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ trong vận 8, khu vực phía TÂY NAM có vận tinh số 5 đắc Thành môn ngầm. Thành môn này có thể chiếm hết 3 sơn MÙI-KHÔN-THÂN của hướng TÂY NAM, chứ không bị giới hạn trong 1 sơn như những Thành môn chính hay phụ, nhưng tác dụng của nó cũng yếu hơn 2 loại Thành môn kia.
Ngoài ra, về thời gian ảnh hưởng của Thành môn đối với 1 căn nhà hay 1 địa huyệt thì tùy theo từng loại Thành môn mà sẽ rất lâu dài hay chỉ ngắn ngủi trong 1 vận. Điều này sẽ được nói trong 1 dịp khác.
Phối hợp Phi tinh với địa hình (loan đầu)
Ngoài những vấn đề kể trên thì còn phải để ý đến địa hình bên ngoài xem có phù hợp với Phi tinh hay không?
Nói địa hình (hay loan đầu) phù hợp với Phi tinh tức là những nơi có thủy của sông, hồ, ao biển, hoặc đường đi, sân rộng, đồng trống… phải nằm trùng với những nơi có sinh khí hay vượng khí của Hướng tinh. Còn những nơi có núi đồi, gò cao, hay nhà cửa, cây cối… thì phải nằm trùng với những khu vực có sinh khí hay vượng khí của Sơn tinh.
Tuy nhiên, vì những điều này đã được nói khá nhiều trong những bài trước đây như “VƯỢNG SƠN, VƯỢNG HƯỚNG”, “THƯỢNG SƠN, HẠ THỦY”, “THU SƠN, XUẤT SÁT”… cho nên bạn đọc có thể đọc kỹ những bài đó để am tường vấn đề phối hợp giữa loan đầu và Phi tinh.
KẾT LUẬN
Qua việc khảo sát các vấn đề thuần khí, chính hướng, kiêm hướng, Đại-Tiểu không vong, chúng ta có thể đi đến kết luận là những tuyến vị chính giữa của mỗi sơn (tức tuyến vị đơn hướng) là những tuyến tốt nhất trong việc tuyển chọn tọa-hướng cho nhà của. Nếu chúng còn có thể phối hợp được với Thành môn, cũng như có được sự ứng hợp giữa Phi tinh với loan đầu thì nhà đó sẽ đại phát cả phú lẫn quý, con người cũng trong sạch, thanh khiết, chứ không thô lậu, bỉ tiện, hoặc đê hèn, gian trá…
Nếu nhìn vào đại cuộc thì các thành phố, kinh đô của mọi quốc gia cũng cần hoạch định đường xá như thế nào, để khi xây dựng nhà cửa thì sẽ không có những nhà kiêm hướng qúa nhiều, hay phạm không vong, sai thố… tức là những điều kiện có thể phát sinh ra nhiều tai họa hoặc tội ác.
Tuy rằng những thành phố, kinh đô vẫn phải chịu ảnh hưởng của vận khí long mạch tại đó, nên cũng có những lúc hưng thịnh hoặc suy đồi, nên tội ác, tai họa không phải sẽ không bao giờ có. Nhưng nhìn chung thì cuộc sống của những người dân sống trong những thành phố, quốc gia đó sẽ được yên ổn, thịnh vượng hơn những thành phố hay những quốc gia khác.
Lấy thí dụ như trung tâm của thủ đô Washington Hoa Kỳ chỉ làm đường theo 4 trục chính là BẮC-NAM, ĐÔNG-TÂY, cho nên nhà cửa, dinh thự… đại đa số chỉ có 4 đơn hướng là TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU. Hay như trung tâm thành phố New York cũng chỉ làm đường theo 4 trục chính là 30 độ – 210 độ, hoặc 300 độ – 120 độ, cho nên đại đa số nhà cửa cũng chỉ nằm trong 4 đơn hướng là THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI mà thôi. .